Quy định về sở hữu cổ phần ngân hàng 2024

Xem Quy định về sở hữu cổ phần ngân hàng 2024

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo rà soát, nghiên cứu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 và định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 đã giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Luật đã nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, cảnh báo sớm, can thiệp sớm với các tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, bổ sung việc quy định cụ thể việc xây dựng, phê duyệt phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, điều kiện áp dụng, nội dung phương án, biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án.

Mặt khác, luật cũng bổ sung quy định về biện pháp can thiệp sớm để kiểm soát tổ chức tín dụng có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt; hoàn thiện quy định về chuyển giao bắt buộc, phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém, quy định cụ thể về trường hợp, trình tự, thủ tục phê duyệt, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, phá sản…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện còn nhiều bất cập cần xem xét, sửa đổi để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo…

Theo đó, định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ bổ sung nhiều quy định để nâng cao tính an toàn hệ thống cũng như tăng các chế tài liên quan đến tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, cơ quan này dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của tổ chức tín dụng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức quản trị, điều hành của Quỹ tín dụng nhân dân.

Về các vấn đề về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện: Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và nghiên cứu, rà soát về các tỷ lệ an toàn khác trong hoạt động của tổ chức tín dụng cổ phần; sửa đổi, bổ sung quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô…

Về tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ sửa đổi một số quy định về cơ cấu lại tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tiễn triển khai thi hành quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được áp dụng can thiệp sớm…

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ bổ sung một số quy định mới. Trong đó nổi bật là cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Trong báo cáo gửi lên Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục.

Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp). Cụ thể, tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát-Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,05%.

Có tình trạng lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần tại các ngân hàng vượt mức quy định (ảnh minh hoạ)

Có tình trạng lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần tại các ngân hàng vượt mức quy định

Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 3 khai mạc ngày 23/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua cùng với quá trình thực hiện tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm xem xét, nhận diện và có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng.

Ngành ngân hàng cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho quá trình điều tra, tố tụng để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật…

Theo đó, sở hữu của các tổ chức tín dụng đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng các nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được hạn chế và được kiểm soát; tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chi phối, cố ý làm trái, sử dụng trái phép tài sản, vay vốn với quy mô lớn dẫn đến rủi ro cho ngân hàng của các cổ đông lớn, cán bộ lãnh đạo các tổ chức tín dụng đã từng bước giảm dần; các tổ chức tín dụng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại…

Đến nay, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục (tại thời điểm cuối năm 2012 có 7 cặp); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chỉ còn lại 1 cặp (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trên thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.

Điều này dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Hệ luỵ khôn lường

Trao đổi với PV Pháp lý xung quanh vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính khẳng định, lách luật sở hữu chéo, sở hữu cổ phần NHTM vượt mức quy định không chỉ mang lại rủi ro cho chính ngân hàng, doanh nghiệp mà có thể làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính và cả nền kinh tế quốc dân.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, pháp luật không cấm cá nhân, doanh nghiệp sở hữu cổ phần ở một ngân hàng, một tổ chức tín dụng, nhưng chỉ được sở hữu ở một mức độ nhất định.

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng rốt ráo xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Đến nay, tình trạng này cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn mối lo ngại về vấn đề lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức quy định, hay nói cách khác là sở hữu ngầm vượt mức quy định của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng.

Bởi thực tế, gần đây có doanh nghiệp bất động sản gia tăng đầu tư cổ phần vào ngân hàng. Đồng thời, xuất hiện một số lãnh đạo của công ty bất động sản nhảy sang nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng cho thấy mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn bất động sản với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp.

Điều đáng nói là đối với sở hữu ngầm thực sự rất khó quản lý cũng như khó có thể xử lý được nếu không có sự vào cuộc điều tra của các cơ quan chức năng. Hệ luỵ của nó gây ra đối với thị trường tài chính là rất nguy hiểm. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Còn nhớ vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định để rồi chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng từng xảy ra trong quá khứ, có thể thấy rõ qua các đại án Trustbank – Hứa Thị Phấn, VNCB – Phạm Công Danh hay Oceanbank – Hà Văn Thắm…  Điều này, cho thấy những mối lo ngại về tình trạng lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức quy định, hay nói cách khác là sở hữu ngầm vượt mức quy định của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng của giới chuyên gia là hoàn toàn có cở.

 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Nếu các ngân hàng có sự tác động, chi phối bởi cổ đông hoặc nhóm nào đó đổ vốn vào những lĩnh vực có rủi ro rất cao như BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể làm xáo trộn các thị trường. Thậm chí khi có tiền trong tay, cá nhân, doanh nghiệp có thể thao túng thị trường đó (BĐS, chứng khoán –PV), làm cho thị trường không hoạt động theo đúng quy luật vốn có, từ đó có thể hình thành lên các bong bóng BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… đến khi bong bóng đó bị xẹp, sẽ gây thiệt hại cho cả nền kinh tế quốc dân.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, điều này đã từng nhìn thấy ngay tại Việt Nam trong giai đoạn những năm 2008-2010, một số ngân hàng cho dồn vốn cho các doanh nghiệp cách hậu vay để đầu tư BĐS lên bong bóng BĐS, cuối cùng khi bong bóng BĐS vỡ thì không chỉ các ngân hàng đó mà cả nền kinh tế hàng bao nhiêu năm không giải quyết xong nợ đọng, nợ xấu.

Còn kẽ hở trong quy định pháp luật ?

Thực tế thông tin trên báo chí thời gian gần đây cũng cho thấy, có không ít ngân hàng có những mối quan hệ ghi đậm dấu ấn tập các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân doanh nghiệp lớn.

Điển hình nhất kể đến là tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), sau  Đại hội đồng cổ đông ngày 15/02/2022, danh sách 7 thành viên HĐQT được thông qua chính thức xuất hiện những nhân vật mới có quan hệ với Tập đoàn Thành Công – đơn vị có tiếng trong lĩnh vực ô tô là Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.

Đáng chú ý, bà Lê Hồng Anh là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch của Thành Công Group và đang là chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land (công ty con của Thành Công Group). Ông Đào Phong Trúc Đại – Tổng giám đốc của hai doanh nghiệp là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và Công ty TNHH Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu chính thức của nhóm Thành Công Group, theo một số nguồn tin đã lên tới 26,3%, là một trong những nhóm lớn nhất tại Eximbank hiện nay.

Hay một loạt các ngân hàng khác như: ABBank – Geleximco; Sacombank, LienVietPostBank – Him Lam; OCB – Hướng Việt; Techcombank – Masterise; MSB – TNG Holding; HDBank – Sovico; SCB – Vạn Thịnh Phát; Nam Á Bank – Hoàn Cầu; VietBank – Hoa Lâm; VietABank – Việt Phương…

Nhìn nhận dưới góc độ khung khổ pháp luật, Luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, Luật tổ chức tín dụng hiện hành đã có nhiều quy định siết chặt lại các giới hạn sở hữu cổ phần tại các ngân hàng để kiểm soát lại vấn đề sở hữu chéo.

Luật sư Lê Cao – Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng)

Cụ thể, Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định: Một cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp theo quy định pháp luật…

Người có liên quan theo quy định tại Điều 4 là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác như: Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;

Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại; Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

Cá nhân với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người này.

Có thể thấy, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn đã liệt kê tương đối đầy đủ các mối quan hệ liên quan đối với cổ đông tại các ngân hàng. Nhưng, theo nhận định của LS Lê Cao, pháp luật vẫn không thể lường hết và cũng không có hệ quy chiếu nào để xác định hết được những mối quan hệ liên quan theo các nhóm lợi ích.

LS. Lê Cao cho rằng, pháp luật đặt ra các quy định để kiểm soát các quan hệ liên quan đến huyết thống, yếu tố gia đình, sự liên kết về quyền sở hữu tại các doanh nghiệp… Thế nhưng trên thực tế có những quan hệ không có bóng dáng của các tiêu chí mà luật quy định và giới hạn. Đây chính là kẻ hở để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định.

Bên cạnh đó, hiện nay chế tài đối với việc sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định hiện đang quá nhẹ, chưa thực sự đủ sức răn đe. Theo đó, mức phạt đối với việc sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại khoản 2, Điều 9 của Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng chỉ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng, đồng thời buộc bán số cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực.

Đặc biệt, theo luật sư Cao, trên thực tế có những thỏa thuận ngầm để thao túng và sở hữu chéo trong âm thầm theo cách kinh doanh nửa luật lệ nửa quan hệ nhóm lợi ích thân hữu và bẻ lái tín dụng sang phục vụ các hoạt động kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nếu không được kiểm soát sẽ khiến cho hoạt động ngân hàng phục vụ cho mục đích không minh bạch sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Đáng nói không chỉ bất động sản, nhiều ông chủ của một số doanh nghiệp lớn vẫn đang sở hữu cổ phần và chi phối quyền lực tại các ngân hàng, từ chủ ngân hàng làm chủ các câu lạc bộ bóng đá, rồi chủ ngân hàng cũng làm chủ các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề khác nhau. ..

Dĩ nhiên về mặt giới hạn sở hữu, họ phải tuân thủ. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn vừa tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu, mà vừa vẫn chi phối được hoạt động của các ngân hàng? Chúng ta không dễ dàng trả lời một cách rõ ràng, cũng là vì không dễ gì lật ra những vấn đề âm thầm phía sau các hiện tượng.

Nói sở hữu chéo được kiểm soát trên bề mặt luật pháp, nhưng chưa chắc kiểm soát được trong thị trường tài chính vốn có nhiều mối quan hệ phức tạp và không dễ dàng nhìn thấy hết. Đây là một vấn đề cần được thẳng thắn nhìn nhận để có quyết tâm tìm ra giải pháp duy trì sở hữu chéo ngân hàng trong ngưỡng tích cực theo quy định luật. Luật sư Lê Cao kiến nghị.

Kiến nghị

Thiết nghĩ, dù câu chuyện vượt giới hạn sở hữu chéo, sở hữu cổ phần của các tổ chức cá nhân tại các ngân hàng thương mại cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, thực tế vẫn luôn tồn tại mối lo ngại xảy ra tình trạng lách luật để ngầm sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp sân sau của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng. Điều này khiến hoạt động của các ngân hàng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông, nhóm cổ đông tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch… gây ra nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính. Do đó, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần của các tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng.

Những giải pháp mà các chuyên gia kiến nghị nhằm ngăn chặn nguy cơ lách luật để ngầm sở hữu chéo, sở hữu vượt mức cổ phần của các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng đó chính là cần rà soát lỗ hổng pháp luật, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định về cơ chế giám sát sở cổ phần của cổ đông và đặc biệt đối với người liên quan. Phải bao trùm được tối đa những cá nhân, tổ chức có mối quan hệ liên quan với các cổ đông theo các nhóm lợi ích có nguy cơ thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng.

Bên cạnh đó phải thường xuyên giám sát, kiểm tra đảm bảo các ngân hàng tuyệt đối tuân thủ quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Quy định này nếu được thực hiện nghiêm sẽ góp phần hạn chế sự thao túng, kiểm soát quyền lực của các cổ đông lớn có thể bẻ lái dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau.

Ngoài ra cần nghiên cứu bổ sung tăng nặng chế tài đối với hành vi sở hữu cổ phần tại ngân hàng vượt mức quy định để tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Cơ quan chức năng cần rà soát lỗ hổng pháp luật, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định về cơ chế giám sát sở cổ phần của cổ đông và đặc biệt đối với người liên quan. Phải bao trùm được tối đa những cá nhân, tổ chức có mối quan hệ liên quan với các cổ đông theo các nhóm lợi ích có nguy cơ thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt cần nghiên cứu bổ sung tăng nặng chế tài đối với hành vi sở hữu cổ phần tại ngân hàng vượt mức quy định để tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Bạn đang tìm hiểu bài viết Quy định về sở hữu cổ phần ngân hàng 2024


HỆ THỐNG CỬA HÀNG TRÙM SỈ QUẢNG CHÂU

Điện thoại: 092.484.9483

Zalo: 092.484.9483

Facebookhttps://facebook.com/giatlathuhuongcom/

WebsiteTrumsiquangchau.com

Địa chỉ: Ngõ 346 Nam Dư, Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội.

0/5 (0 Reviews)